Khám phá thành phố ma tráng lệ ở An Bằng

Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của lăng tẩm, đền đài ở Huế, tôi thật sự kinh ngạc khi nghe một đồng nghiệp bảo:
 “Hãy đi về phía biển, ông sẽ được thấy một thành phố lăng tẩm, đền đài khác, mà so với nó từng lăng mộ nằm đơn độc của các vị vua triều Nguyễn sẽ trở thành đơn điệu. Đó chính là thành phố ma”.
Tôi lập tức thuê ngay một chiếc Honda và lên đường đi về phía biển, với hi vọng mình sẽ tận mắt chứng kiến được một thành phố kỳ lạ bậc nhất trên thế giới...

Lăng mộ Trang trí nguy nga tráng lệ
Những lăng mộ trang trí lộng lẫy và cầu kỳ hơn
cả những đền đài mà tôi từng thấy

{tocify} $title={Table of Contents}

  Những “thị trấn” lẻ


Cửa biển Thuận An nằm cách thành phố Huế khoảng 1
2 km. Trên đường đi, tôi chỉ bắt gặp vài ba ngôi mộ lẻ nằm rải rác trên những bờ cát. Đó là các ngôi mộ mà tôi đã nhìn thấy ở những nghĩa trang dưới chân núi Ngự Bình. Chúng có kiến trúc lạ hơn kiểu mộ ở những địa phương khác của cả nước, như có tường tròn khảm hoa văn, có cổng vào chạm hai đầu rồng, một mái đền nhỏ che mộ bia...nhưng không gây ấn tượng như những gì mà tôi được nghe kể.
Trong lúc lang thang giữa những hàng dương trên bãi biển Thuận An vắng lặng, tôi tình cờ phát hiện một nghĩa trang nằm giấu mình kín đáo sau những rặng cây. Hỏi ra mới biết nghĩa trang này của những người dân làng An Hải, xã Thuận An.
Trong tiếng rì rào của sóng biển, vài trăm ngôi mộ nằm tập trung ở nơi đây đủ sức làm nức lòng hiếu kỳ của tôi. Cứ đinh ninh đây chính là “thành phố ma”, hay thành phố dành cho những người đã chết, tôi lặng im chụp vài kiểu ảnh (dù trên bãi biển có treo bảng cấm chụp hình) và ghi lại nhận xét của mình về từng ngôi mộ. Những chi tiết chính trong kiến trúc lăng tẩm vua chúa được người ta sao chép lại, rồi hòa trộn hỗn tạp với nhau trong kiểu dáng từng ngôi mộ. Phần mộ của cụ bà Trần Thị Xự giống như một ngồi đền lớn, tọa lạc trên một miếng đất có chiều ngang khoảng 4 m, chiều dài 9 m. Bia đá cho tôi biết cụ mất năm 1971, nhưng được con cháu phụng lập mộ mới trong năm 1997 này.
Một người đàn ông tên Phương từ trong làng bước ra gặp tôi và cho biết, “lăng” mộ đó trị giá 2.000 USD. Anh bảo nó chưa ăn thua gì so với ngôi mộ ở đầu trên nghĩa trang, của dòng họ ông Hải, trị giá 4.000 USD, cao giá nhất ở đây. Anh dẫn tôi đến trước vài ngôi mộ khác, rồi thuyết minh: “Đây là mộ của một mệ sắp chết, mệ xây trước để thỉnh thoảng ra đây nhìn thấy mà yên lòng. Còn mộ này xây năm 1992, dành cho hai vợ chồng. Vợ thì chết từ năm 1991 đã nằm trong đó, sinh phần dành cho ông chồng còn để trống chờ bên cạnh. Con ông bà ở Mỹ gởi tiền về lập mộ”.
Tôi hỏi Phương, đây có phải là “thành phố ma” mà nhiều người ở Huế nói, thì anh trả lời:
 “Nghĩa trang này được lập năm 1983. Từ 1975 đã có nhưng chỉ vài ngôi mộ nhỏ xíu không đáng kể. “Thành phố ma” chính hiệu nằm ở làng An Bằng, xã Vĩnh An, cách đây hơn 30 cây số. Những ngôi mộ ở đây chỉ có giá từ 1.500 đến 4.000 USD, không thấm thía gì với ở đó cả. Còn tất cả những gì anh thấy trên đường đi từ đây xuống duới chỉ là những thị trấn lẻ thôi’".

Qua khỏi Thuận An khoảng 10 km, con đường chạy dọc những đồi cát sát biển càng lúc càng xấu. Đây là địa phận xã Phú Hải. Chính trên những triền đồi trải dài đó là một quần thể “lăng” mộ san sát nhau mà cái nào cũng có giá ít nhất từ 1.500 USD trở lên. Phải công nhận là chúng đẹp. Tôi có cảm giác mình đang đi qua một thành phô thần thoại, nơi những linh hồn đang an nghỉ.
Cách chợ Cự Lại hai cây số, một ngôi mộ “khổng lồ” đang xây dở dang hiện ra trước mắt tôi. Những người thợ đang tất bật làm việc trên giàn giáo cho tôi biết đây là mộ của cha mẹ ông Hậu, có ngôi nhà ba tầng ngay chợ. Bốn trụ biểu trước mộ được chạm rồng vẽ phượng, nguy nga không kém gì trụ biểu lăng vua. Sau trụ biểu là một tháp bia bốn tầng. Dưới bia đá có một con rùa nằm trong hồ nước, giống như con rùa mang bia tiến sĩ trong Văn miếu Hà Nội. Sau tháp bia là nhà mộ với hai sinh phần. Sau đó nữa là nhà thờ với hai bức bình phong bên cạnh được chạm trổ rồng hạc ngồi chầu và sơn vẽ tranh tứ quí. Bên hông mộ là hai cổng tả hữu. Các hạng mục kiến trúc của ngôi mộ này được nắn nót đến từng chi tiết. Người chủ thầu cho tôi biết trị giá ngôi mộ trên dưới 8.000 USD. Anh và 11 người khác đã thi công từ ba tháng nay. Còn vài công đoạn cuối cùng anh phải hoàn thành để nhận 20 triệu đồng tiền công, rồi tiếp tục lên đường theo đơn đặt hàng mới.
“Ở đây, nhu cầu về mồ mả giống như nhu cầu về nhà ở. Chúng đều là nhà cả. Nhà cho người sống và nhà cho người chết. Kẻ có tiền nhiều thì xây to, kẻ ít tiền xây nhỏ”. Anh bảo anh làm nghề đã 12 năm nay, và lúc nào cũng đủ việc làm. Trước khi xây ngôi mộ mà tôi đang thấy, anh đã làm một cái khác, cũng của ông Hậu, trị giá tới 10.000 USD. “Ở đó qui tập mộ phần người thân tám đời của ông Hậu. Nghĩa trang liệt sĩ sao, nó vậy, nhưng ngon hơn”

 Thành phố ma


Nằm cách trung tâm thành phố Huế 42 km, Vinh An là một xã vùng biển, cùng với bốn xã khác là Thuận An, Phú Hải, Phú Diên, Phú Thuận làm nên thế mạnh ngư nghiệp của huyện Phú Vang, huyện có nghề cá bậc nhất Thừa Thiên Huế. Vinh An có 1.800 hộ dân, nhưng hết 600 hộ dân sống tại làng trung tâm An Bằng. Và “thành phố ma” mà tôi tìm kiếm tọa lạc nơi đây, trên một vùng cát trắng mênh mông sát biển. Một con đường làng chạy thẳng từ trụ sở UBND xã ra phía biển, cắt nghĩa trang làm hai phần đông và tây. Có hàng ngàn ngôi mộ đủ kiểu (kiểu Thiên chúa giáo, kiểu đạo Phật, kiểu cung đình...). Chúng đã tạo nên một thành phố “lộng lẫy” khác thường, dành cho những người chết.
Đúng như lời đồn, nghĩa trang rộng đến mức tôi đi dạo chưa hết thì đã bở hơi tai. Nếu không có người dẫn đường sẽ dễ bị lạc lối nơi đây. Mỗi ngôi mộ là một lăng tẩm thực sự mà cách đây hơn 20 năm về trước, tôi chỉ có thể hình dung là chúng chỉ dành riêng cho vua chúa hoặc các bậc thánh thần.
Chủ tịch xã Lê Thanh Bình đưa tôi đến trước mộ thân sinh cụ Lê Phát. Cũng 8.000 USD, nhưng ngôi mộ của ông làm cho cha mẹ to lớn, hoành tráng, lộng lẫy hơn ngôi mộ thân sinh ông Hậu mà tôi đã thấy ở Phú Hải. Hai người này cùng đi sưu tầm các kiểu xây mộ, từ những tầm lịch ngoại, các catalogue về đền đài, về lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn ở Huế...rồi về tự vẽ kiểu cho thợ. Thợ của ông Hậu là thợ thuê, còn thợ của ông Phát chính là người con rể. Ông Hậu “chơi” theo kiểu vua nhà Nguyễn, còn ông Phát thì “chơi” kiểu Ấn Độ pha lẫn VN.

Những ngôi mộ cực kỳ hoành tráng và tinh xảo

Khó mà miêu tả chi tiết của ngôi mộ này bằng chữ nghĩa được. Chi riêng lư hương bằng xi măng giả đồng đen trước cửa mộ cũng đủ làm người ta...choáng váng. Chiều ngang mộ 7,5m, chiều dài 14 m, và nền cao 2,5 m với 14 bậc tam cấp. Trước khi xây mộ cho cha mẹ, ông Phát đã xây xong ngôi mộ của chính mình. Một ngôi mộ đẹp không kém. Vậy mà ông cũng chưa thỏa mãn, còn bảo một lăng mộ tốt cần có một ao đầm trước mặt. Đó cũng là cách chọn đất cất lăng của các bậc vua chúa triều Nguyễn. Có tiền ông sẽ làm!
Theo anh Bình, phong trào xây mộ của người dân bắt đầu từ năm 1990, khi một người dân ở đây bỏ ba cây vàng xây mộ cho cha mẹ mình. An Bằng không phải là đất khởi xướng, mà trước đó, Thuận An và các xã ven biển khác của huyện Phú Vang đã làm rồi. Nhưng càng lúc phong trào càng lớn mạnh. Người An Bằng, Vinh An vượt lên hơn những xã khác, nâng cấp nghĩa trang mình lên hạng “thành phố”, bỏ xa các “thị trấn” lẻ tẻ khác dù tiền vận chuyển vật liệu về đây cao hơn.

Những người làm sau, bao giờ mộ của họ cũng đồ sộ và tốn nhiều tiền hơn. Ai cũng muốn ngôi mộ cha mẹ, ông bà mình đẹp hơn của người khác. Nhiều mộ cũ bị đập đi xây lại vì “môđen” lạc hậu, vì chệch hướng tốt không có lợi cho con cháu, hoặc vì khi xây xong, chụp ảnh gửi cho người thân ở nước ngoài, họ không vừa ý...


Những lăng mộ xa hoa tráng lệ
Thành phố của những lăng mộ
Bây giờ việc xây lăng mộ đã biến thành một thứ tâm thức. Người nào không xây nổi lăng mộ cho cha me mình là đứa con bất hiếu. Vợ Bình chết đã mười năm, nhưng đồng lương chủ tịch xã chưa cho phép anh xây mộ cho vợ. Bình bảo: “Xóm giềng không nói ra nhưng tôi biết họ trách móc. Tôi cũng đang dành dụm tiền”. Dẫn tôi đến nghĩa trang “thành phố ma”, Bình bảo: “Ông già Phát sáp chết, nhưng ngôi mộ của ông sẽ còn sống thêm một thời gian nữa”. Ở đây, người cao tuổi thường xây mộ trước cho mình.
Không giống ở Ngự Bình, muốn xây mộ phải đặt mua đất trước. Còn ở đây, đất bạch sa miễn phí mênh mông, muốn xây rộng hẹp tùy thích, chỉ cần xã đồng ý. Làng An Bằng được lập cách đây khoảng 500 năm về trước, và bây giờ chia ra thành bốn năm dòng họ. Ngoài việc xây mộ cho người thân, những người ở nước ngoài còn gửi tiền về hùn nhau xây các nhà thờ họ nguy nga tráng lệ. Nhà thờ họ Lê vừa xây xong tốn kém hơn 30.000 USD. Nhà thờ họ khác 40.000 USD hoặc hơn. Ở đây, nói về mồ mả, về nhà thờ họ, người dân chỉ dùng đơn vị...đôla, vì chủ yếu nguồn tiền xây dựng nên những cái ấy đều từ nước ngoài gửi về.
Không chỉ riêng An Bằng và các làng xã ven biển huyện Phú Vang, mà hầu như người Huế có chung một quan niệm về mồ mả sống chết, như: “sống nhà thác mồ”, “không mả đố ả làm nên", “âm dương hòa điệu”...Chủ tịch xã Vinh An nói tiếp: “Người Huế có thể sống kham khổ, nhưng chết thì được làm đám linh đình. Làng An Hải có 80 % dân có người thân ở nước ngoài. Làng An Bằng có 50% ...Cả ông Hậu và ông Phát đều có ba người con ở Mỹ. “Chúng nó gởi tiền cho cất nhà, mua ghe, rồi tiền để sống, và tiền xây mộ. Chúng muốn vậy, mà mình cũng muốn vậy”.

Xây lăng còn tốn kém hơn xây nhà

Số tiền bỏ ra xây mộ có thể đủ cất một ngôi nhà khang trang cho một gia đình trú ngụ. Có người ở Huế nói rằng mộ của dân An Bình còn cao giá hơn thuyền bè đánh cá của họ và sang trọng hơn nhà ở của họ. Còn dân xã biển có “thành phố ma” thì cho rằng lăng mộ là đạo lý, là hành vi thể hiện sự kính trọng đời sống tâm linh.
Có nhiều lý lẽ để giải thích việc đua nhau xây lăng mộ của người dân vùng này, trong đó có một lý do mà tôi mới biết: dân ở đây trong quá khứ từng chịu cảnh chôn cha mẹ trên vùng đất cát, bị gió biển xoáy, qua một thời gian dài nấm mộ đắp đất nằm một nơi, còn quan tài người chết nằm một nơi, không biết đường cải táng. Cũng có lẽ, người dân ở đây chịu ảnh hưởng nặng quan niệm xây lăng tẩm của triều đình Huế. Nhưng họ là dân Huế mà! Còn tôi thì thấy rằng cái quần thể “thành phố ma” kéo dài từ Thuận An xuống Vinh An có thể trở thành một tour du lịch mới hấp dẫn người nước ngoài, giống như tour du lịch quần thể kiến trúc đền đài lăng tẩm triều Nguyễn. Bởi theo tôi, đó là “thành phố” độc nhất vô nhị...

Video toàn cảnh làng quê An Bằng

Mời các bạn cùng xem video quay toàn cảnh khu lăng mộ hoành tráng bậc nhất Việt nam ở bên dưới nhé:
phodesign

⭐♡ Hãy cùng nhau chia sẽ những thông tin hay nhất về kiến trúc và các file mẫu bản vẻ đẹp nhé !.

Đăng nhận xét

!❄♡ Góp ý và bình luận nhanh:
✪★ Vui lòng để lại comment yêu cầu của các bạn lên khung bình luận bên dưới để được hỗ trợ nhanh nhất từ chúng tôi.
✪★ Comment hình ảnh dễ dàng bằng cách dán link ảnh hay link video trực tiếp vào khung bình luận.
✪★ Vui lòng để lại bình luận hay yêu cầu với có tên hay nick name thật của của các bạn để được hỗ trợ nhanh nhất.
✪★ Chúc các bạn có thật nhiều thành công nhé!

Mới hơn Cũ hơn