Những "mắt cửa" trang trí độc đáo ở Hội AN

Mắt cửa treo bên ngoài của chính nhà cổ
Hội An cổ kính, mộc mạc, quyến rũ, và còn rất nguyên sơ làm say đắm biết bao du khách xa gần cả trong nước lẫn quốc tế. Nơi lưu giữ linh hồn là những ngôi nhà cổ được làm bằng gỗ cùng những nét trang trí bình dị mà rất nhẹ nhàng. Nhưng có một điều mà rất ít du khách để ý đó là trên các cửa chính ra vào được trang trí với những "mắt cửa" rất đỗi lạ lẫm mà nếu ta không để ý kỹ cứ tưởng nó chỉ là vật treo phong thủy thông thường như các ngôi nhà cổ khác mà thôi. Hôm nay tôi sẽ giới thiệu rõ hơn cho các bạn về những vật trang trí khá đặc biệt này nhé.

Tôi từng rảo bước, không biết bao lần trên các con phố đầy ắp những kiến trúc cổ kính rêu phong ở phố Hội, mắt dõi nhìn những cặp “mắt cửa” nơi những tòa nhà đẫm chất Trung Hoa. Tôi cũng từng hỏi chuyện nhiều vị chủ nhân của những “đôi mắt phố Hội” ấy, cũng như những nhà nghiên cứu kỳ cựu về văn hóa Hội An về nguồn gốc và ý nghĩa của mắt cửa. Mỗi người có một kiểu lý giải khác nhau về “mắt cửa” Hội An. Nhưng họ đều cho rằng đó là những đôi mắt của ngôi nhà để nhìn đời và nhìn người, là linh hồn của môn quan, là mắt thần để canh giữ ngôi nhà, để đón những luồng sinh khí, những điềm lành vào nhà và bảo vệ cho gia chủ khỏi mọi tai ương, bất hạnh.

mắt cửa hình Thái Cực Đồ
Nhiều người còn nói rằng: “Mắt cửa” ở phố Hội giống như nhân chứng của ngôi nhà. Khi ta bước ra, bước vào thì sẽ nhìn thấy “đôi mắt” ấy và sẽ tự kiểm soát lòng mình. Người tử tế thì thấy đó là “đôi mắt” thân thiện, tươi vui chào đón họ. Người có cái tâm không ngay sẽ có cảm giác những “đôi mắt” ấy đang dõi theo, kiểm soát mọi hành vi của mình. 
Vài người còn đi xa hơn, cho rằng “mắt cửa” ở Hội An bắt nguồn từ thuyết “vạn vật hữu linh”, rằng sự vật cũng như con người đều có mắt ở nhìn thế giới xung quanh. Vì thế mà người Hội An đã vẽ lên ghe thuyền những đôi mắt ở hai bên mũi thuyền, và gắn “mắt cửa” lên nhà ở của họ. 

Kỳ thực, tục vẽ mắt thuyền bắt nguồn từ tập tục của cư dân sông nước ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là đôi mắt của thần Orisis theo quan niệm của người Ai Cập từ năm 2.700 trước Công nguyên, khi họ vẽ lên những đôi mắt ấy lên những con chiếc thuyền độc mộc ngược xuôi trên trên sông Nil. Đó là cặp mắt có tác dụng hù dọa những loài thủy quái trên sông, trên biển và dẫn dắt ngư dân đến những ngư trường có nhiều tôm cá để đánh bắt theo quan niệm của cư dân thủy diện ở các nước Indonesia, Malaysia, Việt Nam… Và, giữa “mắt cửa” ở phố Hội và “mắt thuyền” trên dòng sông Hoài hay trên vùng biển ngoài khơi cửa Đại, theo tôi, thì không liên quan với nhau.
Mắt cửa đặt ở cửa chính ngôi nhà
Vì rằng, “mắt cửa” là vật trang trí mang tính tâm linh chỉ có trên kiến trúc nhà ở và đình miếu của người Hội An gốc Hoa. Còn kiến trúc của người Hội An bản địa thì không có những “đôi mắt” này, kể cả những ngôi nhà ở làng mộc Kim Bồng nổi tiếng bên kia dòng sông Hoài, cũng không hề trang trí “mắt cửa”.

Những người Hoa đến Hội An từ các thế kỷ 17 - 18, lập nên cộng đồng Minh hương, là chủ nhân của những “đôi mắt phố Hội”. Thoạt kỳ thủy, đó là những cái chốt gỗ, dùng để gắn khung cửa với trụ ngang phía trong, có dáng như một chiếc đinh. “Tai đinh” dày khoảng 10 cm, rộng chừng 20 cm - chính là “mắt cửa”; “chốt đinh” dài khoảng 30 cm là “cái mộng” để gắn “mắt cửa” vào khung nhà. Từ vật dụng có chức năng liên kết trong kiến trúc gỗ truyền thống, “mắt cửa” đã trở thành vật trang trí mang tính tâm linh, với nhiều truyền thuyết và diễn giải khác nhau. Tuy nhiên người Hội An đã biết cách “Việt hóa” các môn trâm hay môn đăng gốc Hoa này thành “mắt cửa” của người Việt và biến chúng thành “linh hồn” của phố Hội.

Có hơn 20 kiểu “mắt cửa” đang tồn tại nơi những tòa nhà cổ kính ở phố cổ Hội An, với các kiểu thức và trang trí khác nhau:
Kiểu trang trí mắt cửa hình hoa cúc 8 cánh xòe
Kiểu trang trí mắt cửa hình hoa cúc 8 cánh xòe
khá nổi bật


- Hình hoa cúc 6 cánh hay 8 cánh xoáy tròn;
- Hình thái cực đồ (hình thái cực hình tròn chia làm hai nửa, với bốn biểu tượng thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương) có các cánh hoa bao quanh; 
-Hình bát quái; “mắt cửa” trang trí “lưỡng long triều nhật” (hai con rồng chầu mặt trời) hay “lưỡng long triều nguyệt” (hai con rồng chầu mặt trăng); 
-Hình hổ phù (mặt con hổ, biểu tượng của hai vị Thần Đồ và Uất Lũy mà người Trung Hoa và người Minh Hương ở Hội An tôn làm môn thần;
-Hình “ngũ phúc lâm môn” (hình năm con dơi tượng trưng cho năm điều phúc: phú, quý, thọ, khang, ninh) hay “ngũ phúc viên thọ” (hình năm con dơi bay quanh chữ Thọ tròn); 
-Hình quả Phật thủ với các cánh hoa mềm mại bao quanh;
-Hình bát giác khắc nỗi những cát tường tự (chữ Hán mang lại điềm tốt lành) theo lối chữ triện…

Trải mấy trăm năm, thương cảng Hội An từng hưng thịnh, rồi suy thoái và nay lại hồi sinh trong một diện mạo mới: di sản văn hóa của nhân loại. Nhưng những “đôi mắt” của phố Hội vẫn còn nguyên nơi ấy, vẫn là những “nhân chứng” sống động biểu trưng cho nét văn hóa riêng của phố Hội, giúp cho người Hội An nhìn đời, soi mình và răn dạy các lớp hậu sinh những điều tử tế, thiện tâm.          ref: nguoi-nuoc-hue
phodesign

⭐♡ Hãy cùng nhau chia sẽ những thông tin hay nhất về kiến trúc và các file mẫu bản vẻ đẹp nhé !.

Đăng nhận xét

!❄♡ Góp ý và bình luận nhanh:
✪★ Vui lòng để lại comment yêu cầu của các bạn lên khung bình luận bên dưới để được hỗ trợ nhanh nhất từ chúng tôi.
✪★ Comment hình ảnh dễ dàng bằng cách dán link ảnh hay link video trực tiếp vào khung bình luận.
✪★ Vui lòng để lại bình luận hay yêu cầu với có tên hay nick name thật của của các bạn để được hỗ trợ nhanh nhất.
✪★ Chúc các bạn có thật nhiều thành công nhé!

Mới hơn Cũ hơn