Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế hệ thống pccc cho công trình cao tầng

Gần đây đề tài pccc cho chung cư cao tầng đang là tâm điểm của sự quan tâm của rất nhiều người, khi mà các vụ cháy khá nghiêm trọng được phản ánh qua báo chí và các phương tiện truyền thông chính thống.
Vậy làm gì để giảm thiểu được các thiệt hại đó?...Một trong những biện pháp quan trọng đó là chú trọng các phương án pccc ngay từ những bản thiết kế còn nằm trên bản vẻ.
Một vụ cháy xảy ra ở chung cư nước ngoài ( Honolulu)
CÁC HỆ THỐNG PCCC PHẢI ĐƯỢC THIẾT KẾ, LẮP ĐẶT TRONG CHUNG CƯ CAO TẦNG:
- Cầu thang bộ thoát hiểm có phòng đệm, cung cấp áp suất không khí dương (tự nhiên hoặc cơ khí) cho phòng đệm và buồng thang;
- Thang máy dành cho lực lượng chữa cháy;
- Cửa đi căn hộ chống cháy 60 phút, cửa thoát hiểm chống cháy 70 phút;
- Hệ thống báo cháy: đầu báo khói, đầu báo nhiệt, công tắc báo cháy khẩn cấp, chuông báo cháy;
- Hệ thống âm thanh thông báo công cộng;
- Hệ thống chữa cháy: tủ cuộn vòi chữa cháy vách tường, trụ cấp nước bên ngoài nhà, sprinkler, màn nước;
- Bố trí phòng Kiểm soát sự cố cháy FCC (Fire Control Center) tại tầng trệt. Khi có sự cố cháy xảy ra, hệ thống kiểm soát cảnh báo cháy sẽ hiển thị một loạt các thông tin về vụ/sự cố cháy bao gồm chính xác địa điểm xảy ra.
- Và nhiều quy định phức tạp khác về kỹ thuật

CẦU THANG THOÁT HIỂM
- Thang bộ thoát hiểm: là loại thang bộ không nhiễm khói, buồng thang được cung cấp áp suất không khí dương từ 20-50Pa, ngăn khói lan vào buồng thang. Cửa thang là cửa chống cháy 70 phút, mở hướng vào (theo chiều thoát hiểm), có cùi chỏ hơi để cửa luôn ở tình trạng đóng (nhưng không khóa) để ngăn khói. Cửa thang thoát hiểm chỉ mở 1 chiều (tức bên ngoài chạy vào cầu thang, bên trong cầu thang không thể mở ra ngoài). Lưu ý không để cửa mở thường xuyên gây giảm áp bên trong buồng thang, sẽ tạo điều kiện cho khói lan vào khi có hỏa hoạn.
- Trong buồng thang có bố trí 2 đường ống nước cứu hỏa dành cho lực lượng chữa cháy: 1 ống nước ướt luôn được duy trì có nước và một đường ống khô để tiếp nước từ xe cứu hỏa.
- Thông thường mỗi một khối nhà (block) chung cư có 2 thang bộ thoát hiểm, trong đó có ít nhất loại thang N1 (loại cầu thang bộ không nhiễm khói, có phòng đệm tiếp xúc với bên ngoài), còn lại có thể là thang bộ N2 (loại thang bộ không có phòng đệm nhưng cũng phải không nhiễm khói, được cung cấp áp suất không khí dương trong buồng thang) hoặc thang bộ N3 (loại cầu thang bộ có phòng đệm, không nhiễm khói, được cấp áp suất không khí dương cho phòng đệm và buồng thang). Các thang bộ này bố trí phân tán, khoảng cách giữa 2 thang nhỏ hơn 50m (đối với các tầng trên) và 40m (đối với tầng hầm), cũng không được bố trí quá gần để tránh tập trung người quá lớn tại một chỗ khi có sự cố cháy xảy ra.
- Chiều rộng thang tùy thuộc vào số người sống trên mỗi tầng, cứ 165 người/m, nhưng không nhỏ hơn 1,05m. Các thiết kế thông thường có chiều rộng bản thang khoảng 1,2m.
- Các cầu thang có lối thoát ra ở tầng trệt trực tiếp ra bên ngoài hoặc thông qua sảnh.
- Các thang thoát hiểm từ tầng hầm có thể đồng trục với các thoát hiểm ở các tầng trên, nhưng phải có lối thoát ra ở tầng trệt tách biệt và được ngăn bởi tường ngăn cháy.
- Tại phòng đệm buồng thang khuyến khích bố trí khu vực lánh nạn dành cho người tàn tật.
THANG MÁY CHỮA CHÁY:
- Mỗi khối nhà (block) có ít nhất một thang máy chữa cháy, phục vụ cho lực lượng chữa cháy, thường kết hợp là thang chở hàng và thang vận chuyển bệnh nhân, nên kích thước cabin lớn, có thể chứa băng ca giường bệnh. Thang máy này có sảnh đệm chống cháy, được cung cấp áp suất không khí dương, ngăn khói tràn vào;
- Giếng thang máy này cũng được cấp khí áp suất không khí dương để ngăn khói tràn vào.
- Vật liệu bên trong của cabin phải là vật liệu không cháy, trong cabin thang máy chữa cháy phải có điện thoại chuyên dụng cho chữa cháy.
- Tại tầng 1 (trệt), thang máy chữa cháy phải có cửa ra thông thẳng ra ngoài nhà hoặc qua lối đi với độ dài không quá 30m để thông thẳng ra ngoài nhà phải có nút bấm dành riêng cho lực lượng chữa cháy thao tác sử dụng.
- Tốc độ của thang máy chữa cháy phải đảm bảo thời gian đi từ tầng phục vụ chữa cháy (thường là tầng 1 hay tầng trệt) đến tầng cao nhất không quá 60 giây.
- Hệ thống điện cấp cho thang máy và chiếu sáng phải gồm có các nguồn điện cung cấp chính và phụ (khẩn cấp, dự phòng, luân phiên) với đường cáp chống cháy ít nhất 2h.

Tiêu chuẩn thiết kế thang máy chữa cháy của quốc tế

HỆ THỐNG BÁO CHÁY TỰ ĐỘNG
- Hệ thống báo cháy cho công trình được thiết kế là hệ thống mở, quản lý thiết bị đầu vào, đầu ra, cũng như hệ thống dây truyền dẫn tín hiệu một cách chặt chẽ. Bất kỳ sự cố nào đều được thông báo một cách kịp thời và chính xác. Khi có đám cháy xảy ra, các dấu hiệu đặc trưng của nó bao gồm: khói được sinh ra nhiệt độ tăng cao, lửa phát ra. Các thiết bị đầu dò cho từng loại này cảm nhận được các hiện tượng đó sẽ đổi tín hiệu cháy (tín hiệu không điện) sang tín hiệu điện truyền về Trung tâm xử lý chính và phát đi tín hiệu báo cháy ở các thiết bị đầu ra (Loa, còi đèn, telephone, đèn, bảng hiển thị).
- Các bộ thu và suất tín hiệu điều khiển để giám sát tình trạng hoặc kích hoạt cho các thiết bị hoạt động (van, bơm chữa cháy, thang máy, quạt hút gió tầng hầm, quạt tạo áp hút khói.).
- Ngoài ra trung tâm tủ báo cháy kết nối với hệ thống âm thanh khi có sự cố cháy xảy ra hệ thống báo cháy sẽ gửi tín hiệu đến hệ thống âm thanh, hệ thống âm thanh có nhiệm vụ thông báo và hướng dẫn thoát hiểm.
- Hệ thống báo cháy kết nối với tổng đài điện thoại khi có sự cố cháy xảy ra trong thời gian ấn định hệ thống tổng đài điện thoại sẽ tự động gọi cho cơ quan phòng cháy chữa cháy (Nếu dịch vụ được đăng ký).
HỆ THỐNG HÚT KHÓI HÀNH LANG
- Hệ thống hút khói hàng lang được thiết kế các miệng gió gắn trên trần các hành lang khói được đưa ra ngoài theo hệ thống ống gió các ống nhánh tập trung về đường ống chính đi trong hộp gen và hút ra ngoài bởi quạt hút đặt ở tầng mái.
-
CÁC HỆ THỐNG KHÁC
- Đường ống rác cũng là nơi tiểm ẩn nguy cơ cháy nếu ai đó vô ý thức, bất cẩn ném mẫu tàn thuốc còn cháy vào đường ống hay bỏ than còn nóng vào bịch rác …. Chúng ta còn nhớ cách đây vài năm, chung cư JSC có sự cố cháy từ buống đổ rác, sau đó đám cháy khói lan theo đường ống rác, tỏa ra nhiều khói và lan ra sảnh, hành lang, cầu thang và các căn hộ của tòa nhà gây ngạt cho cư dân sống trong tòa nhà. Do vậy đường ống rác phải được làm bằng vật liệu chống cháy và cửa thu rác phải có cửa nắp ngăn cháy tự động đóng kín. Buồng có ống chứa ống đổ rác phải đảm bảo có lối vào trực tiếp qua một khoảng thông thoáng bên ngoài nhà hoặc qua một khoảng đệm ngăn cháy được thông gió thường xuyên.
- Mỗi tầng được bố trí tối thiểu 2 vị trí tủ chữa cháy vách tường, mỗi tủ bao gồm 2 cuộn vòi chữa cháy với vòi phun có đường kính 32mm, dành cho lực lượng chữa cháy không chuyên; bình chữa cháy CO2. Tủ chữa cháy vách được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy, có có biển báo trên tủ.
- Tầng sân thượng cũng được xem như tầng lánh nạn nên khi không thể thoát xuống tầng trệt do khói lửa bao trùm, mọi người có thể chạy ngược lên trên sân thượng lánh nạn để chờ lực lượng cứu hỏa.
Khi chiều cao công trình hơn 100m phải bố trí tầng lánh nạn, là khu vực có tường ngăn cháy, nối trực tiếp với cầu thang bộ thoát nạn, có trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống chống tụ khói …
- Trang bị tối thiểu 01 bộ dụng cụ phá dỡ thông thường (gồm: xà beng, cưa tay, búa, kìm cộng lực…),
- Đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn có nguồn điện dự phòng đảm bảo thời gian hoạt động tối thiểu 2h, được lắp đặt, bố trí trên các cửa ra vào, hành lang, cầu thang thoát nạn, lối rẽ trên đường thoát nạn để chiếu sáng, chỉ dẫn lối đi và dễ quan sát. Vị trí lắp đặt giữa các đèn chiếu sáng sự cố, giữa các đèn chỉ dẫn thoát nạn phải đảm bảo nhìn thấy lối thoát nạn và khoảng cách không quá 30m.
TẦNG HẦM:
- Tầng hầm để xe luôn là mối đe dọa rình rập có nguy cơ cháy cao. Do vậy với tầng hầm có diện tích lớn hơn 3000m2, quy định phải chia thành các khoang ngăn cháy với diện tích ≤3000m2, được ngăn bởi các tường ngăn cháy có cửa cuốn ngăn cháy hay bằng màn nước ngăn cháy. Khi có cháy xảy ra thì khoang có cháy sẽ bị cô lập lại, tránh cháy lan ra xung quanh. Mỗi khoang ngăn cháy bố trí ít nhất 2 thang bộ thoát hiểm và một thang máy chữa cháy.
- Các tầng hầm được thiết kế cấp khí tươi và thoát khí độc, trong đó có bố trí cảm biến đo nồng độ CO, khi 9ppm< CO<25ppm, quạt chạy chế độ thấp, khi chỉ số CO>25ppm, quạt chạy tốc đô cao để thông gió, đưa khí tươi vào.
Khi có sự cố cháy, hệ thống cấp khí tươi sẽ tắt, hệ thống thoát khí độc sẽ chạy hết tốc độ để hút khói ra ngoài.
- Phải bố trí cửa cuốn chống cháy ở đầu mỗi ram dốc để ngăn cháy lan.
- Hệ thống sprinkler được bố trí với khoảng cách 3-4m, diện tích phủ khoảng 12m2
CĂN HỘ
- Mỗi căn hộ bố trí ít nhất 1 đầu sprinkler ở khu vực bếp-phòng khách. Các căn hộ luxury thâm chí bố trí đến phòng vệ sinh.
- Bố trí đầu báo khói/ báo nhiệt
- Cửa đi chính (cửa thép, cửa gỗ …) chống cháy 60 phút. Khuyến khích bố trí thiết bị ngăn khói lan vào căn hộ.
ref: Facebook Anh Tiến Lê Văn 

Đăng nhận xét

!❄♡ Góp ý và bình luận nhanh:
✪★ Vui lòng để lại comment yêu cầu của các bạn lên khung bình luận bên dưới để được hỗ trợ nhanh nhất từ chúng tôi.
✪★ Comment hình ảnh dễ dàng bằng cách dán link ảnh hay link video trực tiếp vào khung bình luận.
✪★ Vui lòng để lại bình luận hay yêu cầu với có tên hay nick name thật của của các bạn để được hỗ trợ nhanh nhất.
✪★ Chúc các bạn có thật nhiều thành công nhé!

Mới hơn Cũ hơn